7 Điểm khác nhau giữa bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ

Posted on KIẾN THỨC BẢO HIỂM 1136 lượt xem

Ngành bảo hiểm tồn tại 2 loại hình bảo hiểm là bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Cả 2 loại bảo hiểm đều giúp con người phòng ngừa trước những rủi ro trong cuộc sống. Nhưng cả 2 loại bảo hiểm lại mang những ý nghĩa riêng biệt. Vậy bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm nhân thọ có gì khác nhau? Nên tham gia loại bảo hiểm nào?

Điểm khác nhau giữa bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ
Điểm khác nhau giữa bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ

Bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ là gì?

  • Bảo hiểm nhân thọ

Bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm được công ty bảo hiểm cung cấp nhằm bảo vệ con người. Người tham gia bảo hiểm trước rủi ro về sức khỏe, tính mạng. Thông qua cách chi trả, bồi thường khi các sự kiện bảo hiểm xảy ra.

Đồng thời, khi kết thúc hợp đồng nếu không có rủi ro, công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ thực hiện chi trả quyền lợi đáo hạn bằng tiền cho khách hàng. Đó là khoản tích lũy từ phí bảo hiểm tham gia và lãi suất/ lãi chia (nếu có).

  • Bảo hiểm phi nhân thọ

Bảo hiểm phi nhân thọ là hình thức bảo hiểm, dành cho cả con người và tài sản khác.

Các rủi ro được bảo hiểm phi nhân thọ bao gồm: sinh mạng, sức khỏe, tài sản (xe, nhà cửa, nhà máy …). Cùng các trách nhiệm pháp lý phát sinh từ thiệt hại do cá nhân gây ra đối với bên thứ ba, tử vong do tai nạn hoặc thương tích.

Tuy nhiên, bảo hiểm phi nhân thọ không có chi trả đáo hạn khi không có sự kiện rủi ro xảy ra, tức là các khoản phí bảo hiểm đã nộp không được hoàn trả lại.

Bảo hiểm nhân thọ khác phi nhân thọ như thế nào?

Để có một cái nhìn sâu sắc và phân định rõ ràng chúng ta cùng đi tìm hiểu 7 điểm khác nhau giữa bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ.

1. Mục đích, ý nghĩa

  • Bảo hiểm nhân thọ

Ngoài tính chất đặc trưng là bảo vệ trước các rủi ro trong cuộc sống, bảo hiểm nhân thọ còn là một phương án tài chính có tính tích lũy, là kênh tiết kiệm dài hạn và cũng là kênh đầu tư có lãi suất.

  • Bảo hiểm phi nhân thọ

Khi người tham gia đóng phí nếu có rủi ro về người, tài sản thì sẽ được bồi thường theo đúng điều khoản hợp đồng còn nếu không có rủi ro thì sẽ số tiền đóng phí sẽ bị mất đi, bởi hình thức bảo hiểm này không có giá trị tích lũy.

2. Nguyên tắc bồi thường

  • Bảo hiểm nhân thọ

Bồi thường theo nguyên tắc “khoán”. Số tiền bảo hiểm trong trường hợp xảy ra rủi ro tử vong hoặc bệnh lý nghiêm trọng thường rất lớn.

Bởi trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, đối tượng để bảo hiểm là con người. Tính mạng, sức khỏe, cuộc sống của con người thì không thể xác định được bằng tiền. Và việc ấn định trước khoản tiền mà đơn vị bảo hiểm thực hiện chi trả cho người tham gia đó được gọi là nguyên tắc khoán.

  • Bảo hiểm phi nhân thọ

Nguyên tắc bồi thường của bảo hiểm phi nhân thọ là sử dụng thế quyền và bồi thường theo nguyên tắc đóng góp.

Sử dụng thế quyền là cho phép người tham gia bảo hiểm đòi số tiền từ bên chịu trách nhiệm gây ra tổn thất. Cũng có giá trị pháp lý khi cho phép công ty bảo hiểm lấy lại số tiền tương ứng từ người gây ra tổn thất.

3. Phạm vi và nghiệp vụ bảo hiểm

  • Bảo hiểm nhân thọ

Phạm vi bảo hiểm của bảo hiểm nhân thọ là con người.

Nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ gồm: Bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm sinh kỳ, bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm hỗn hợp, bảo hiểm trả tiền định kỳ, bảo hiểm liên kết đầu tư.

Người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm: Là người được hưởng quyền lợi bảo hiểm, chủ yếu là những người thân của người tham gia bảo hiểm như: vợ/ chồng, con cái,… Người thụ hưởng có thể thay đổi và quyền quyết định phụ thuộc vào chủ hợp đồng bảo hiểm.

  • Bảo hiểm phi nhân thọ

Phạm vi bảo hiểm của bảo hiểm phi nhân thọ là con người, tài sản và trách nhiệm dân sự.

Người thụ hưởng đối với các hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ là nạn nhân trực tiếp hoặc gián tiếp của rủi ro.

4. Thời hạn hợp đồng

  • Bảo hiểm nhân thọ

Bảo hiểm nhân thọ sẽ có thời hạn hợp đồng từ 10 – 20 năm hoặc trọn đời. Thời gian bảo hiểm càng dài thì đồng nghĩa với việc người tham gia bảo hiểm được bảo vệ càng lâu mà không phải đánh giá lại điều kiện sức khỏe khi tham gia bảo hiểm.

  • Bảo hiểm phi nhân thọ

Thời hạn hợp đồng của bảo hiểm phi nhân thọ thường từ 1 – 2 năm hoặc ngắn hơn như: bảo hiểm du lịch cho từng chuyến đi,…

5. Thời gian đóng phí

Bảo hiểm nhân thọ: Có thể tùy chọn định kỳ đóng phí là tháng, quý, 6 tháng, năm hoặc một số gói bảo hiểm có thể thực hiện đóng 1 lần để tổng phí đóng thấp.

Bảo hiểm phi nhân thọ: Thường là đóng 1 lần duy nhất sau khi ký hợp đồng.

6. Các yếu tố ảnh hưởng tới phí bảo hiểm

  • Bảo hiểm nhân thọ

Tuổi tác và sức khỏe

Định kỳ đóng phí

Số tiền bảo hiểm

  • Bảo hiểm phi nhân thọ

Xác suất rủi ro

Số tiền bảo hiểm

Giá trị đối tượng được bảo hiểm

7. Tính tích lũy

  • Bảo hiểm nhân thọ

Ngoài ý nghĩa chính là bảo vệ con người, Bảo hiểm nhân thọ còn là một giải pháp tích lũy tài chính. Tại thời điểm đáo hạn hợp đồng, khách hàng sẽ được nhận giá trị tài khoản hợp đồng. Nó gồm một phần phí đóng hàng năm và lãi suất/ lãi chia cùng các khoản thưởng (nếu có).

  • Bảo hiểm phi nhân thọ

Được bồi thường khi có rủi ro xảy ra và không có tính tích lũy. Hay nói cách khác nếu không có tổn thất thì người tham gia sẽ không được nhận lại số tiền của mình.

Tổng kết

Như vậy, bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ là hoàn toàn khác nhau. Mỗi hình thức có một ý nghĩa, chức năng riêng và đều cần thiết. Để quyết định mua bảo hiểm nào thì khách hàng cần hiểu được nhu cầu, mục đích của mình và lựa chọn gói bảo hiểm phù hợp với điều kiện kinh tế bản thân.

Xem thêm: Bảo hiểm Dai-ichi có tốt không? Mua bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi ở đâu uy tín nhất Hà Nội?

5/5 (1 Review)